Thứ Bảy, 5 tháng 7, 2014

Mê ngộ

Khi mê bùn chỉ là bùn
Ngộ rồi mới biết trong bùn có sen
Khi mê tiền chỉ là tiền
Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm
(Thơ Đồng Đức Bốn)
Con người vốn yếu đuối, cho nên làm người có lẽ ai cùng có một đam mê nào đó. Cõi trần gian vồn đầy hương sắc, nên con người, dù là kẻ thanh hay người tục, ai cũng có cái để đam mê.


Mê rượu? Điều đó có thể được xem như là mặc nhiên đối với những người đàn ông có chút nam tính. Mê rượu vẫn vô hại, thậm chí lại có ích nếu ta biết dùng nó như là tiên tửu. Câu “Nam vô tửu như kỳ vô phong” vẫn có cái nội hàm văn hóa của nó, miễn là chúng ta đừng bao giờ lạm dụng câu nói đó để biện minh cho thói bét nhè bê tha. Mê rượu để viết nên những bài thơ bất hủ như Lý Bạch của Trung Quốc hay Omar Khay-yám của Ba Tư, hoặc mê rượu để hiển lộng thần oai, dùng “Hàng long thập bát chưởng” đánh bại quần hùng như Tiêu Phong thì hà cớ gì mà không mê rượu?

Mê gái? Cái đó cũng chẳng sao, có quá đà cũng tốt. Mê gái để viết nhạc làm thơ thì càng nên mê gái. Mê gái như Bùi Giáng để làm những câu thơ quỷ khốc thần sầu : “Rong chơi râu tóc bạc phơ, còn nghe đắm đuối vần thơ yêu người” hoặc “Cười với tuyết rỡn với vân, một mình nhớ mãi gái trần gian xa”, thì ta lại càng nên mở ra những trận mê gái suốt bình sinh. Nói như ngôn ngữ Bùi Giáng là : “thiên tài thiên hạ đâm ra tồn lưu mê gái”! Loại mê gái đó mở rộng tâm thức sáng tạo của nhân gian, đẩy cõi người ta vào những viễn tượng diệu kỳ. Cũng nhờ cái “tồn lưu mê gái” đó mà các thiên tài trong thiên hạ mới phát huy được hết thiên tài của mình đến chỗ “đăng phong tháo cực”. Ta còn nhớ Nguyễn Du nhiều chăng, nếu như không có Thúy Kỉều?

Mê đọc sách? Quá tốt. Người xưa bảo “Vạn ban giai hạ phẩm, duy hữu độc thư cao”, (mọi thứ đều thấp kém, chí có đọc sách là cao nhã) nhằm đề cao việc đọc sách. Câu thơ này dù có cường điệu đôi chút, nhưng trải qua mấy ngàn năm, cho đến nay con người vẫn phải cần đến một nền văn hoá đọc, dù chúng ta đang sống trong một mạng InterNet khổng lồ. Điều quan trọng khi đọc sách là phải biết tỉnh táo để tiêu hóa kiến thức, đừng để biến thành con mọt sách cố chấp ngu đần -một căn bệnh nguy hiểm vẫn xoi mòn cốt tủy rất nhiều người đọc sách suốt cổ kim. Đôi lúc nói chuyện với các con mọt sách kiểu này, tôi luôn hãi hùng vì chỗ nào cũng thấy sách. Nhiều lúc thấy quá tẻ nhạt cũng không nỡ đứng lên, vì sợ dẫm phải sách mà người ta hăm hở đang bày la liệt ra đấy, giống như loại sách đang bày bán sale off đầy các vỉa hè Sài Gòn về đêm. Thoạt nhìn thì đủ màu đủ vẻ, nhưng cuốn nào cũng được bọc trong bao ni-lông! Mê đọc sách là điều rất đáng khuyến khích, nhưng bản thân việc đọc sách chỉ thực sự có giá trị khi chúng ta bóc được cái bao ni-lông kia để vất đi.
Mê danh vọng? Cũng chấp nhận được, miễn sao phải tự cảm thấy mình có xứng đáng với cái tên tuổi đó không, hay chỉ hoài công theo đuổi một chút hư danh, như lắm vị chức sắc trong xã hội ta mang bằng cấp đầy người mà kiến thức lắm khi lại không bằng hạt đậu? Căn bệnh mê danh vọng lại đặc biệt trầm trọng trong giới văn chương. Đâu đâu cũng thấy những “thiên tài” kiểu Bạch Tự Tại là “Đệ nhất kỳ nhân” của phái Tuyết Sơn. “Ra đường gặp chín thiên tài, lâu lâu mới có được vài thằng ngu” (Thơ Nguyễn Tôn Nhan). Câu thơ đó quả đã điểm đúng tâm bệnh của những “thiên tài”.
Mê tiền? Có lẽ đây là căn bệnh trầm kha nhất của nhân loại tự cổ chí kim. Tiền là huyết mạch của cuộc sống và luôn kéo theo nó biết bao nụ cười và nước mắt. Không có một thứ đam mê nào của nhân loại lại đem đến những nghiệt oan tàn khốc cho cõi đời bằng thói mê tiền. Và hơn thế nữa : say tiền! Mà khi đã say tiền thì tâm phải mê, ý phải loạn.

Trung Quốc có một câu chuyện cực ngắn mà rất lý thú : “Một người vào chợ, thấy có tiệm bán vàng bèn cướp mà chạy. Người ta bắt giải lên quan. Quan hỏi :”Sao giữa chợ đông người mà mi dám ngang nhiên cướp vàng?”. Người kia đáp :”Lúc đó tôi chỉ thấy vàng chứ không thấy có người”! Tác giả câu chuyện này quả đã kinh lịch hết tâm lý con người. Vàng làm tối lương tri, vàng che mờ nhân nghĩa.., đó là những ý nghĩa răn đời thường gặp trong nền luân lý phương Đông.

Nếu trong đời này có một thứ đáng gọi là ma lực theo nghĩa có sức hấp dẫn quái dị và đem lại tan tác điêu linh, thì có lẽ đó chỉ là ma lực của đồng tiền. Và không phải ai cũng có hiểu được điều này, nếu chưa rơi vòng cuốn tàn bạo của nó. Không có gì làm tăng “giá trị xã hội” cho con người cực nhanh và hiệu quả bằng tiền. Một kẻ cha căng chú kiết khi nắm được đồng tiền là nghiễm nhiên tự coi mình thuộc loại “đại gia”. Loại đó ta thấy đẫy dẫy trong xã hội nhố nhăng hiện nay. Câu ca dao “Vai mang bị bạc lè ké, nó quấy nói quá chúng nghe ầm ầm” quả thực đơn giản mà tuyệt diệu.

Khi bị cuốn trong vòng xoáy của đồng tiền mà tâm “tịch nhiên bất động” thì phải là người có một định lực phi thường, hoặc phải có một cơ duyên lạ thường. Trong đời, không ít những người trí thức, thuở hàn vi thì sống rất cao đạo, thậm chí coi khinh những kẻ đang chạy theo tiền. Thế mà khi rơi thế giới đồng tiền thì họ nhanh chóng biến thành những kẻ đê tiện và hợm hĩnh một cách lạ kỳ. Lý do là vì sự cao đạo của họ thuở hàn vi chỉ phát xuất từ những khái niệm mơ hồ nặng mùi sách vở. Họ chưa biết ma lực đồng tiền mà lại làm ra vẻ cao đạo, muốn đứng xa cái thứ “tanh mùi đồng” đó; giống như những vị tăng sĩ đi tu từ bé, chưa bao giờ biết đến đàn bà lại đi ghê tởm chuyện xác thân. Ngẫm cho cùng, đó chỉ là những loại Hư Trúc trước khi gặp Mộng Cô trong hầm đá!

Nếu không phải là kẻ mang bản chất nghệ sĩ coi nhạt đường danh lợi, không để tâm đắm theo vật, một loại lãng tử kiểu Lệnh Hồ Xung, thì mọi sự cao đạo kia đều không có căn cơ, một kiểu “chê táo còn xanh” trong ngụ ngôn của La Fontaine. Quán tưởng rằng xác thân bất tịnh theo hướng dẫn của kinh điển, cũng như dùng lý luận để dạy cho mọi người rằng đồng tiền là bẩn thỉu là một chuyện, nhưng trong thực tế khi đối mặt với những vấn đề ấy lại là một chuyện hoàn toàn khác hẳn. Chỉ những tâm hồn mang định lực phi thường mới đủ sức quán chiếu vào thực tướng để vượt qua. Sự từ bỏ ngai vàng và mọi danh vọng trần gian của Phật Thích Ca là sự từ bỏ chân chính. Và sự từ bỏ đó đã đặt tiền đề để Ngài trở thành bậc Toàn Giác, mở rộng thế giới tâm linh huyền ẩn của phương Đông cùng toàn thể nhân loại. Chỉ những tâm hồn giác ngộ mới có thể quán chiếu được sự bình đẳng giữa của cải trần gian và một sợi tơ bay.

Thời Chiến Quốc, các nước hợp tung tại Triệu để đánh Tần. Tể tướng Tần là Phạm Thư hiến kế cho Tần vương dùng tiền lung lạc để phá thế hợp tung bằng một minh họa đơn giản cụ thể, mà đến ngày nay đọc lại, ta vẫn thấy rợn người vì cái tỉnh táo đến tàn nhẫn của một kẻ được đánh giá là biện sĩ giỏi nhất thời Chiến quốc :
Xin đại vương hãy nhìn bầy chó của đại vương: dậy thì cùng dậy, đi thì cùng đi, nghỉ thì cùng nghỉ, không hề đánh nhau. Ném vào một khúc xương, chúng nhỏm dậy nhe rang cắn nhau ngay. Vì cớ sao? Vì tranh nhau vậy!”. (Vương kiến đại vương chi cẩu, khởi giả khởi, hành giả hành, chỉ giả chỉ, vô tương dữ đấu giả. Đầu chi nhất cốt, khinh khởi nhi tương nha giả. Hà dã? Hữu tranh ý dã!) (Chiến quốc sách-Tần sách).
Quả nhiên, vua Tần sai Đường Tuy đem năm ngàn nén vàng đén đất An Hữu, vàng chưa dùng hết mà thế hợp tung đã bị phá.

Từ Hán Việt “thông thần” ngoài nghĩa thông thường là “thông suốt đến cõi thần linh” hoặc là“có năng lực siêu nhiên“, còn có một nghĩa rất lý thú là dùng để chỉ hiệu quả của một món tiền hối lộ quá lớn có thể mua được cả thần linh! Tiền có thể làm lung lạc và rúng động cả chư thần chứ nói gì đến con người?

Gần đây có một bài báo mỉa mai chuyện nhà tỷ phú Bill Gate làm từ thiện, vì cho rằng đó cũng chỉ là câu chuyện của Mạnh Thường Quân là dùng tiền để mua nhân nghĩa. Tôi cho rằng tác giả đó chưa hiểu nỗi cái định lực phi thường của người biết dừng giữa cơn lốc khốc liệt của đồng tiền. Đó chính là người “Ngộ rồi mới biết trong tiền có tâm”. Nếu cho rằng hành động của một người đã miệt mài đem trí thông minh tột đỉnh của mình ra làm giàu, rồi đem tiền của giúp người nghèo như Bill Gate là hành vi giả dối để mua nhân nghĩa, thì tôi xin thành tâm cầu nguyện cho nhân loại luôn sản sinh những con người giả dối như vậy. Từ đời này cho đến mãi mãi mai sau. Miệt mài làm tiền bằng cách tạo ra những sản phẩm trí tuệ cho nhân loại, rồi biết ngừng để đem tiền làm những việc ơn ích khác cho xã hội, thì đó là một loại “chơi tiền” tuyệt đỉnh của kẻ đã thấy được “trong tiền có tâm”. Nó khác hẳn với những cách “chơi tiền” ngu xuẫn và đầy tội lỗi của những cán bộ lãnh đạo đem những món tiền khổng lồ từ xương máu của nhân dân để cho gái và đánh bạc.

Khổng Tử được kinh điển Trung Quốc tôn xưng là “Tố Vương” (vua không ngai) vì Ngài xuất thân là kẻ áo vải mà một lời nói lại có thể làm khuôn phép cho cả thiên hạ. Bill Gate cũng đang là một vị “Tố Vương” của nhân loại trong thế giới kỹ thuật, khi dùng trí tuệ và ý muốn của mình để buộc hầu như tuyệt đại đa số những người đang sử dụng vi tính trên toàn cầu phải trở thành những “thần dân” tự nguyện trong “vưong quốc Windows”! Một người đem được trí tuệ để khuất phục cả nhân loại, thành công còn hơn cả cái “volonté de puissance” của một Napoléon khi muốn vẽ lại lại bản đồ Âu châu, hoặc một Piere đại đế khi muốn tái thiết lại nước Nga. Một người như thế mà biết ngưng để làm từ thiện, thì đem so với những kẻ mê say dùng quyền lực để áp đặt ý chí của mình lên đám đông bị trị, trong suốt dòng lịch sử, và đem lại bao tang tóc điêu linh, sao ta lại không nhận ra giá trị nhân bản đáng trân trọng?

Đạo Phật đưa ra phương pháp tu hành “Bố thí” là cách trợ duyên để giúp con người từ bỏ dần cái tâm bỏn xẻn, và hiểu được rằng “trong tiền có tâm”. Trong chữ “dục (ham muốn) có chữ “khiếm có nghĩa là “thiếu, chưa đủ”. Người Trung Quốc quả cực kỳ sâu sắc. Đối với kẻ đã “mê” thì không lúc nào thấy đủ cả, nên phải bươn chải theo mãi theo lòng dục. Chỉ khi nào “ngộ” thì mới biết ngưng. Ngưng ở đây không phải là thôi không làm tiền nữa, mà có nghĩa là đừng để tâm lụy theo nó nữa, và dùng nó để đem lại hạnh phúc cho đời.

Tự ngàn xưa, thiên hạ cùng đua nhau làm giàu, đó là điều toàn thể xã hội đều mong muốn. Nhưng rồi cũng chính nhân loại lại vì đồng tiền mà trở nên điên rồ hơn bao giờ hết vì đồng tiền luôn cuốn theo nó cơn lốc đam mê tàn khốc không cách gì cưỡng nỗi, trừ phi ta thấy được “Tâm” ở trong ”Tiền”, để chữ “Khiếm” không còn nằm trong chữ “Dục”. Và khi đã ngộ được lẽ “trong tiền có tâm” thì con người sẽ cảm nhận sâu sắc hơn nữa câu nói đầy trí tuệ của Françoise Sagan : “Tiền bạc chỉ có một giá trị duy nhất: đó là khi có nó thì ta không cần đến nó nữa”.

[copy trên mạng]